Người mua nhà không dám vay vì sợ lãi cao
Theo Horea, chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2023 - 2030, nhưng sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Ngân hàng Nhà nước cho biết, chưa phát sinh dư nợ do chưa có người vay. Người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân “chưa mặn mà” vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do lãi suất quá cao, lên đến 8,2%/năm, trong khi đó lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội hiện chỉ 4,8 - 5%/năm
Nhận định về gói tín dụng này, HoREA đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa kế thừa đầy đủ tinh thần của Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2013. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng lãi suất vay ưu đãi này trong 5 năm và sau 5 năm thì ngân hàng thương mại và người mua, thuê mua nhà ở xã hội thỏa thuận lãi suất vay, hầu như có thể nhận định là lãi suất mới sẽ cao hơn, nên người mua nhà lo sợ, bất an không dám vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất vay trong thời gian ưu đãi này được công bố định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần với mức lãi suất 8,2% đầu tiên chỉ áp dụng đến 30/6/2023, sau đó sẽ công bố mức lãi suất áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2023… Cách tính lãi suất này càng làm cho người mua nhà thêm lo lắng.
“Đây là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư. Lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, tuy có thấp hơn 9%/năm mà người mua nhà ở xã hội đang vay hiện nay, song mức lãi suất này vẫn quá cao” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu phân tích và dẫn chứng, giá bán căn hộ nhà ở thương mại hạng A có 2 phòng ngủ là 1,2 tỷ đồng thì giá bán căn hộ nhà ở xã hội hạng B có 2 phòng ngủ cùng loại khoảng 960 triệu đồng. Trường hợp, người mua nhà ở xã hội này chỉ trả trước 20% bằng 192 triệu đồng và được vay phần tiền còn lại 768 triệu đồng bằng 80% giá trị hợp đồng với lãi suất thấp 4,8 - 5%/năm và được trả góp trong 20 - 25 năm thì rất hợp lý và phù hợp với khả năng tài chính của người vay. Ngược lại, mức lãi suất hơn 8%/năm quá cao so với khả năng tài chính của những người có thu nhập thấp.
Theo HoREA, mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội là quá cao, chưa thể hiện đúng tinh thần hỗ trợ người có thu nhập thấp an cư
Chưa kể, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được “đẩy lên” thành gói tín dụng có thời gian ưu đãi cho nhà ở xã hội, nên Ngân hàng Nhà nước quy định người vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vay ưu đãi 1 lần để mua 1 căn nhà, mà nếu đã vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 8,2%/năm thì người có thu nhập thấp đô thị sẽ bị mất cơ hội vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành với lãi suất 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Đáng chú ý, hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội đang còn tồn gần 11.000 tỷ đồng để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội nhưng do không có nhà ở xã hội nên không có người vay, mà nếu tính suất vay bình quân là 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11.000 tỷ đồng thì Ngân hàng chính sách xã hội còn có thể cho vay khoảng 18.000 người để mua nhà ở xã hội. Nếu có nguồn cung nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng chính sách xã hội, nên gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể “bị ế” đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.
Trong khi đó, đối với các chủ đầu tư, họ cũng chưa vay do chưa có dự án mới, hoặc các dự án đang bị vướng mắc, ách tắc thủ tục pháp lý. Thực tế, chương trình dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2023-2030, nhưng sau gần 2 tháng triển khai thì Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa phát sinh dư nợ do chưa có người vay.
Đề xuất dùng gói tín dụng 120.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn
Liên quan đến gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, mới đây, trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, HoREA cho biết, hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã công bố “Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng” theo đề xuất của 04 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mà nguồn vốn này được trích lập bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng và phải phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản vay thuộc Chương trình này theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của những nguồn vốn này, đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng xem xét dành một phần gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay nhưng có triển vọng phục hồi, phát triển trở lại.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất gói tín dụng ưu đãi NOXH 110.000 tỷ đồng theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước.
Quyết định này sẽ giúp đáp ứng được khoảng 30% nguồn vốn để thực hiện chương trình phát triển 1 triệu căn NOXH giai đoạn 2021-2030. Theo kinh nghiệm thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây, các ngân hàng thương mại được “cấp bù lãi suất” 1 đồng có thể huy động được 33 đồng vốn của xã hội và thu về hiệu quả rất lớn.
Với quan điểm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không chỉ để "giải cứu" thị trường bất động sản trước mắt, mà đáp ứng mục đích lâu dài giai đoạn 2021-2030, góp phần thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp ở đô thị. Trước đó, Bộ Xây dựng cho hay thời gian tới bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Vì vậy, một số doanh nghiệp cũng đang chờ đợi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn để từng bước đưa thị trường bất động sản thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại.